Chào mừng các bạn đến với Dược Liên Thông BQP2011 !.
Cám ơn các bạn đã ghé thăm, ủng hộ và chia sẻ thông tin, bài vở … với chúng tôi.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trần Văn Phòng
TC. Khoa học xã hội
Một trong những di sản lý luận mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là tư tưởng về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như một biện pháp cơ bản nhằm ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều.

Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau: "Lý luận đi đôi với thực tiễn", "Lý luận kết hợp với thực hành", "Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, "Lý luận phải liên hệ với thực tế (Hồ Chí Minh, 1995, tập 9, tr. 292). Dù nói "đi đôi", "gắn liền", "kết hợp” nhưng điều cốt lõi nhất mà Người muốn nhấn mạnh là: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 496). Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn được Hồ Chí Minh hiểu trên tinh thần biện chứng: thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn và phải luôn liên hệ với thực tiễn, nếu không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Nghĩa là thực tiễn, lý luận cần đến nhau, nương tựa vào nhau, hậu thuẫn, bổ sung cho nhau.
Hồ Chí Minh cho rằng, để quán triệt tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm khắc phục bệnh kinh nghiệm thì trước hết cần khắc phục bệnh kém lý luận, bệnh khinh lý luận. Bởi lẽ, kém lý luận, khinh lý luận nhất định sẽ dẫn tới bệnh kinh nghiệm. Hơn nữa, không có lý luận thì trong hoạt động thực tiễn người ta dễ chỉ dựa vào kinh nghiệm, dễ dẫn tới tuyệt đối hóa kinh nghiệm, cho kinh nghiệm là yếu tố quyết định thành công trong hoạt động thực tiễn. Nếu không có lý luận hay trình độ lý luận thấp sẽ làm cho bệnh kinh nghiệm thêm trầm trọng, thêm kéo dài. Thực tế cho thấy, ở nước ta có không ít cán bộ, đảng viên "chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 6, tr. 247). Những cán bộ ấy quên rằng, "kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 234). Thực chất là họ không hiểu vai trò của lý luận đối với thực tiễn. Theo Hồ Chí Minh, lý luận có vai trò hết sức to lớn đối với thực tiễn, lý luận "như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 234 - 235). "Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối vừa chậm chạp vừa hay vấp váp" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 6, tr. 47). Làm mò mẫm chính là biểu hiện của bệnh kinh nghiệm. Kém lý luận, khinh lý luận không chỉ dẫn tới bệnh kinh nghiệm mà còn dẫn tới bệnh giáo điều. Bởi lẽ, do kém lý luận, khinh lý luận nên không hiểu thực chất lý luận, chỉ thuộc câu chữ lý luận và do đó cũng không thể hiểu được bản chất những vấn đề thực tiên mới nảy sinh. Do đó, không vận dụng được lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh. Nếu có vận dụng thì cũng không sát thực tế không phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở rằng, có lý luận rồi thì phải kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm thực tế, liên hệ với thực tiễn nếu không lại mắc phải bệnh lý luận suông, tức bệnh giáo điều. Người khẳng định, "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 235). Như vậy cũng có nghĩa là lý luận suông, lý luận sách vở thuần túy. "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5 tr. 234). Do đó, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn phải xuất phát từ thực tiễn, nếu không cũng mắc phải bệnh giáo điều. Như vậy, lý luận chỉ có ý nghĩa đính thực khi được vận dụng vào thực tiễn phục vụ thực tiễn, đóng vai trò soi đường, dẫn đắt, chỉ đạo thực tiễn. Đồng thời, khi vận dụng lý luận vào thực tiễn thì phải phù hợp điều kiện thực tiễn. Rõ ràng, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn ở Hồ Chí Minh phải được hiểu là, thực tiễn - lý luận, lý luận - thực tiễn luôn hòa quyện, thống nhất với nhau, đòi hỏi nhau, cần đến nhau, tạo tiền đề cho nhau phát triển.
Hồ Chí Minh không để lại những tác phẩm chuyên khảo về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nhưng ở nhiều bài viết, bài nói Người luôn luôn đề cập tới nguyên tắc cơ bản này bằng nhiều cách nói, cách viết, cách diễn đạt khác nhau nhằm giúp cán bộ, đảng và quần chúng nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng về việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Một trong những biểu hiện sinh động ấy là, trong hoạt động cách mạng Người luôn luôn sâu sát thực tế, gắn bó với cơ sở, gần gũi với nhân dân. Trong khoảng 10 năm từ 1955 - 1965, Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 700 lượt đi thăm, tiếp xúc với cán bộ, bộ đội, công nhân, giáo viên, bác sĩ, nông dân, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên nhi đồng, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, các hợp tác xã, bệnh viện, trường học... Như vậy, mỗi năm có tới hơn 70 lần xuống cơ sở, gặp gỡ tiếp xúc với quần chúng nhân dân. Điều này đủ thấy Hồ Chí Minh gắn bó với quần chúng, sâu sát với cơ sở, thực tế như thế nào.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, Đảng viên rằng, quán triệt tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là góp phần trực tiếp ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Để làm tốt điều này thì một mặt, phải ra sức học tập, nâng cao trình độ lý luận cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, phải có phương pháp học tập đúng đắn, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế. Nếu không, chưa khắc phục được bệnh kinh nghiệm thì đã mắc phải bệnh giáo điều, bệnh sách vở. Người chỉ rõ, "lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 496). Điều quan trọng nữa theo Người là phải thống giáo điều ngay trong học tập chủ nghĩa Lênin. Khi còn sống Người luôn phê phán kiểu học học thuộc lòng chủ nghĩa Mác- Lênin, "học sách vở Mác - Lênin nhưng không học tinh thần Mác - Lênin" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 9 tr. 292). Đó là học theo kiểu "mượn những lời của Mác, Lênin dễ làm cho người ta lầm lẫn" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 6, tr. 247). Theo Hồ Chí Minh, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là "phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 497). "Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 9, tr. 292). Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đảng viên "học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 498). Như vậy, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin không phải vì chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng không phải vì học tập thuần túy, càng không phải học tập vì mục đích cá nhân nhằm có cái để mặc cả với tổ chức. Học tập trước hết là để làm người, rồi mới làm cán bộ và phụng sự Tổ quốc, nhân dân, giai cấp. Cho nên người cán bộ, đảng viên phải có thái độ học tập đúng đắn mới có thể khắc phục được bệnh giáo điều trong nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh cho tới nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với chúng ta. Người cũng lưu ý rằng, không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là kinh thánh, là những công thức có sẵn, cứng nhắc (Hồ Chí Minh, 1995, tập 6, tr. 247). Có như vậy thì việc nghiên cứu, học tập vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin mới có hiệu quả. Cùng với việc chống giáo điều trong học tập chủ nghĩa Mác - Lênin thì còn phải chống giáo điều trong vận dụng lý luận cũng như kinh nghiệm của nước khác, ngành khác. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: "Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 449). Để chống cả hai loại giáo điều này, theo Hồ Chí Minh thì biện pháp cơ bản là phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng nước nhà. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn cách mạng, khi vận dụng kinh nghiệm và lý luận phải xuất phát từ thực tiễn nước nhà. Người cũng nhấn mạnh rằng, cùng với việc chống bệnh giáo điều thì phải đề phòng, ngăn ngừa chủ nghĩa xét lại. Bởi lẽ, nếu không có quan điểm đúng đắn trong việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn thì người ta dễ nhấn mạnh thái quá những đặc điểm dân tộc để phủ nhận những giá trị phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin. "Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại, (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 449). Đồng thời, Người còn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải biết dùng lý luận đã học được để tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác. "… công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần nghiên cứu cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 243). Người còn nhấn mạnh " ...cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ dồi dào thêm" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 5, tr. 417). Đó chính là quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận. Làm được như vậy cũng có nghĩa là làm cho lý luận cần được "bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 496). Đồng thời, thực tiễn mới sẽ được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi lý luận mới. Cứ như vậy, lý luận luôn được bổ sung, hoàn thiện, phát triển bởi những kết luận mới được rút ra từ tổng kết thực tiễn. Còn thực tiễn luôn được chỉ đạo, soi đường dẫn dắt bởi lý luận đã được bổ sung bằng những kinh nghiệm thực tiễn mới. Đây là biểu hiện sinh động của việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn ở Hồ Chí Minh. "Làm như thế theo Người là tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn" (Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 498).
Qua những nhận định ở trên, chúng ta thấy rằng, để quán triệt tốt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn nhằm ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều có hiệu quả thì phải không ngừng học tập lý luận, nâng cao trình độ lý luận. Khi có lý luận thì phải vận dụng vào thực tiễn, phải biết tổng kết thực tiễn để làm giàu lý luận bằng những kinh nghiệm thực tiễn mới. Chỉ thông qua quy trình như vậy thì lý luận mới gắn với thực tiễn, mới không trở thành giáo điều. Đồng thời thực tiễn mới sẽ được chỉ đạo bồi lý luận sẽ không bị mò mẫm, vấp váp, hay chệch hướng. Như vậy thì bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều cũng không còn chỗ đúng.
 Tư tưởng Hồ Chí Minh về thống nhất giữa lý luận và thực tiễn như một biện pháp cơ bản để ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều có ý nghĩa hết sức to lớn hiện nay, khi mà chúng ta đang tìm lời giải đáp cho nhiều vấn đề thực tiễn đổi mới đặt ra. Bởi lẽ, để tìm lời giải cho những vấn đề đó chúng ta phải tìm ở cả trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như ở chính thực tiễn đổi mới hiện nay ở nước ta. Nghĩa là phải bằng phương pháp, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tổng kết những vấn đề thực tiễn hôm nay một cách có lý luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét